Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo
Tóm tắt
Tôn giáo là một trong những hình thái ý thức xã hội đặc biệt. Nó đã ra đời và phát triển từ hàng ngàn năm nay và sẽ còn tồn tại lâu dài cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Trong quá trình giao lưu với các nền văn minh, nhiều tôn giáo đã theo đó du nhập vào Việt Nam. Những tôn giáo du nhập vào Việt Nam đã có sự giao lưu với tín ngưỡng, đạo thờ cúng tổ tiên, thần, thánh, anh hùng dân tộc làm cho tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam thêm phong phú, sinh động và đã trở thành nhu cầu đời sống tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thừa hưởng những giá trị cao cả và nhân văn của dân tộc, có điều kiện tiếp cận các bậc tiền bối cách mạng, chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được một cách toàn diện và sâu sắc ý nghĩa sống còn của khối đại đoàn kết toàn dân đối với sự tồn vong của dân tộc. Sự nghiệp cách mạng có thể thắng lợi một khi chúng ta thực hiện được truyền thống đoàn kết chặt chẽ giữa Kinh – Thượng, Lương – Giáo trong cộng đồng dân tộc vốn có nhiều dân tộc và tôn giáo. Các giáo lý tôn giáo đều chứa đựng một số giá trị nhân bản rất hữu ích cho việc xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Giá trị lớn nhất của tôn giáo là góp phần duy trì đạo đức và ổn định xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến chân – thiện – mỹ. Tuy nhiên, tôn giáo cũng còn nhiều yếu tố hạn chế, nó làm mất tính chủ động, sáng tạo của con người. Vấn đề là chúng ta cần nhận diện đúng vai trò của tôn giáo nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp của nó và hạn chế những tác động tiêu cực đối với việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay.