Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa gia đình với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
Tóm tắt
Trong vấn đề gia đình, văn hoá gia đình có vị trí quan trọng là nền tảng cho gia đình tồn tại và cơ sở bền vững của gia đình. Văn hoá gia đình vừa là mục tiêu, giá trị phải hướng tới, vừa là cơ sở thúc đẩy sự phát triển bản thân gia đình, nhằm phát triển con người và xã hội. Với tư cách là một thiết chế xã hội văn hoá, gia đình Việt Nam trong truyền thống và hiện đại vẫn là nơi hội tụ, gắn kết mỗi thành viên trong gia đình với nhau. Đối với mỗi con người Việt Nam mang tâm hồn Việt, gia đình là nơi thiêng liêng nhất, thực sự là nơi ẩn náu của sự yên ổn, sự kính trọng và tình thương yêu. Tại thành phố Hồ Chí Minh, sự phát triển của kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa đã tạo ra những sự thay đổi trong gia đình như trong quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau. Xu hướng đề cao tự do cá nhân là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc hình thành một hệ thống quan niệm ứng xử trong gia đình trái với hệ thống chuẩn mực cũ. Ngược lại trào lưu đó, một bộ phận gia đình không nhỏ lại đóng cửa, giữ lại những quan niệm đạo đức cũ, những chuẩn mực truyền thông mà không tiếp nhận những ảnh hưởng mới của thời đại. Những xu hướng đó có tác động tiêu cực đến lối sống của mỗi cá nhân trong xã hội nói riêng và gây ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung.